TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
Gắn bó mật thiết với Nhân dân để góp phần xây dựng Đảng In trang
24/12/2019 02:58 CH

Gắn bó mật thiết với Nhân dân để góp phần xây dựng Đảng

Mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân là mối quan hệ bản chất, gắn liền với sự tồn tại và phát triển của Đảng. Lênin khẳng định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; đồng thời, Người khẳng định đảng viên là “một danh hiệu vinh dự và đầy trách nhiệm”(1). Mối liên hệ gắn bó máu thịt giữa đảng viên với quần chúng chính là nguồn gốc chủ yếu tạo nên sức mạnh của Đảng, của dân tộc, là một trong những điều kiện quan trọng giúp cho Đảng giữ vững được vai trò lãnh đạo.

Bác Hồ thăm, tìm hiểu thực tế sản xuất của nông dân xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương năm 1958. Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ thăm, tìm hiểu thực tế sản xuất của nông dân xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương năm 1958. Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối liên hệ giữa đảng viên với quần chúng được thể hiện rất sâu sắc và phong phú. Quần chúng trong quan niệm của Hồ Chí Minh là những tầng lớp lao động đông đảo tạo nên nền tảng của xã hội. Theo Hồ Chí Minh, mục đích của việc đảng viên liên hệ chặt chẽ với quần chúng là để lãnh đạo quần chúng và học quần chúng. Mục đích này đồng thời cũng là hai mặt hoạt động cơ bản của người đảng viên trong mối liên hệ với quần chúng và có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, bổ sung cho nhau. Lãnh đạo quần chúng là chức năng, nhiệm vụ của đảng viên. 

Sinh thời Lênin đã từng cảnh báo hai nguy cơ của các đảng cộng sản cầm quyền là sai lầm về đường lối và xa rời Nhân dân. Nhìn lại lịch sử của các đảng cộng sản cho thấy khi đảng cộng sản cầm quyền nào không giữ được mối liên hệ với Nhân dân, được Nhân dân ủng hộ thì dù to lớn, có nhiều thành công lớn trong quá khứ vẫn suy yếu, thậm chí sụp đổ. 

Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiền phong của giai cấp công nhân, mang bản chất giai cấp công nhân, nên phải gắn bó với Nhân dân mà hạt nhân lãnh đạo là giai cấp công nhân. Hơn nữa, Đảng Cộng sản Việt Nam còn là đội tiền phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam nên tất yếu Đảng càng phải liên hệ mật thiết và bảo vệ lợi ích của nhân dân lao động. Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Sự tin tưởng, ủng hộ, giúp đỡ của Nhân dân là cội nguồn của sức mạnh, là cái gốc của thắng lợi, là tài sản quý báu của Đảng”(2). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) một lần nữa khẳng định: “Sự nghiệp cách mạng là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Chính Nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với Nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời Nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”(3).

Nguyên tắc Đảng gắn bó mật thiết với Nhân dân được thể hiện trên những nội dung rất cụ thể. Mọi chủ trương, nghị quyết của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Đảng phải tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tập hợp, động viên và tổ chức Nhân dân tham gia các phong trào hành động cách mạng, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng. Luôn chăm lo lợi ích của Nhân dân bao gồm lợi ích về dân sinh và lợi ích dân chủ. Tạo điều kiện để Nhân dân tham gia xây dựng Đảng. Cán bộ lãnh đạo phải thường xuyên đi sát cơ sở, đi sát Nhân dân, trực tiếp trao đổi ý kiến với Nhân dân, học hỏi kinh nghiệm sáng tạo của Nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự trách nhiệm trong công việc, gương mẫu trong cuộc sống để người dân tin tưởng, noi theo.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XI và từ đầu nhiệm kỳ XII tới nay, Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân. Đặc biệt, ngày 3 tháng 6 năm 2013, Ban Chấp hành trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Kể từ Nghị quyết Trung ương 08B-NQ/HNTW của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa VI ngày 27 tháng 3 năm 1990 về “Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân”, Nghị quyết 25-NQ/TW là Nghị quyết quan trọng thứ 2 chuyên đề về công tác dân vận với những quan điểm mới được bổ sung phù hợp thực tiễn. Trong những năm qua, nhiều nghị quyết, chủ trương đúng đắn của Đảng đã được ban hành đáp ứng lợi ích và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc mới phát sinh. Nhờ đó, đời sống của một bộ phận lớn nhân dân đã được cải thiện; quyền làm chủ của Nhân dân đã được phát huy.

Đã có nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm tập hợp Nhân dân vào các tổ chức đoàn thể. Mối quan hệ gắn bó giữa Đảng và Nhân dân được tiếp tục phát huy. Nhiều chủ trương lớn của Đảng đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia góp ý kiến xây dựng. Vai trò của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân ngày càng được chú trọng nhiều hơn bằng việc Đảng đã ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị “về quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị “về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”.

Chỉ còn hơn 1 năm nữa, Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ diễn ra. Còn nhớ, Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “Công tác dân vận được quan tâm và có bước đổi mới cùng với việc ban hành, thực hiện nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Áp dụng nhiều hình thức vận động, tập hợp Nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động đối ngoại nhân dân và công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài”(4). Tuy nhiên, Văn kiện cũng đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại cần khắc phục trong việc thực hiện nguyên tắc này, đó là: “Công tác dân vận còn nhiều mặt hạn chế. Việc xây dựng, nhất là triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận còn chưa kịp thời, kém hiệu quả; chưa đánh giá và dự báo chính xác những diễn biến, thay đổi cơ cấu xã hội, thành phần dân cư, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân,... để có chủ trương, chính sách và biện pháp phù hợp”(5). Ngoài ra, nhiều hạn chế cũng đã được chỉ ra gần đây như: Quan hệ giữa Ðảng và Nhân dân có lúc, có nơi bị xói mòn do những hạn chế, yếu kém trong công tác tư tưởng chính trị, công tác vận động quần chúng, công tác tổ chức cán bộ, công tác quản lý nhà nước và những khó khăn phát sinh trong quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế - xã hội. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả đảng viên là cán bộ lãnh đạo cấp cao đã thoái hóa, biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, nhất là trong các cơ quan công quyền, các lĩnh vực “nhạy cảm” làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với Ðảng. 

Để thực hiện tốt nguyên tắc Đảng gắn bó mật thiết với Nhân dân, hơn lúc nào hết đòi hỏi các cơ quan Nhà nước cần luôn nhanh chóng thể chế hóa và cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc; hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát huy vai trò của Nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn của đất nước; bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; khắc phục những hạn chế, bảo đảm tác dụng, hiệu quả thực chất hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; tạo sự đồng thuận xã hội. Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân. Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các cấp ủy đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của Nhân dân; tin dân, tôn trọng, lắng nghe những ý kiến khác; có hình thức, cơ chế, biện pháp cụ thể, thích hợp để Nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; trân trọng, tôn vinh những đóng góp, cống hiến của Nhân dân. Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, được Nhân dân tham gia ý kiến. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để Nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của Nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện. Tập trung xây dựng những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ của Nhân dân.

Hồ Chí Minh khẳng định, để hoàn thành được sứ mệnh lịch sử của mình, Đảng nhất thiết phải liên hệ chặt chẽ với quần chúng: “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi”(6).

 

(1) V.I.Lê-nin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M. 1979, tập 8, tr. 288.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H., 2006, tr.304. 

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H., 2011, tr 65.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, tr. 190.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, tr. 196.

(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H. 1995, tập 5, tr. 286.

 

Nguồn: VŨ TRUNG KIÊN - baolamdong.vn

Lượt xem: 2.903
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 003233802
  •  Đang online: 102
  •  Trong tuần: 2.124
  •  Trong tháng: 73.790
  •  Trong năm: 1.222.211