TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
Xây dựng mô hình phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc In trang
04/11/2021 01:43 CH

Thực hiện Kế hoạch số 27/KH-UBND ngày 23/02/2018 của UBND huyện về chuyển đổi cây điều già cỗi trên đất nông nghiệp hiệu quả thấp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như dâu tằm, tre tầm vông, cao su, tràm lấy gỗ và cây ăn trái. Hội Nông dân xã Quốc Oai đã tuyên truyền vận động hội viên vùng đồng bào dân tộc thôn Đạ Nhar mạnh dạn lựa chọn các loại cây trồng thích ứng với khí hậu và điều kiện của mỗi gia đình để chuyển đổi. Kết quả đã vận động được 25 hội viên chuyển đổi được 10,5 ha điều sang trồng dâu nuôi tằm, giúp bà con thu nhập ổn định từ 5-7 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, Hội đã chọn hộ anh K’Vàm để hướng dẫn, xây dựng mô hình trồng mít thái không hạt, mang lại những thành công bước đầu cho người nông dân.

Tham quan mô hình mít của gia đình anh K'Vàm
Tham quan mô hình mít của gia đình anh K'Vàm

Anh K’Vàm cho biết: Toàn bộ diện tích 0,4 ha này là đất trồng điều, mấy năm gần đây do dịch bọ xít muỗi, điều năm nào cũng mất trắng. Tôi luôn suy nghĩ phải làm thế nào để cải tạo mảnh vườn để có thu nhập lo cho gia đình. Được sự động viên của Hội Nông dân xã Quốc Oai, tôi đã bàn bạc cùng với gia đình và thống nhất chuyển sang trồng mít Thái không hạt dưới sự hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật, phân bón của Hội Nông dân xã. 

Theo anh Nguyễn Mạnh Tấn, chủ tịch Hội Nông dân xã Quốc Oai: Sở dĩ Hội Nông dân xã chọn xây dựng mô hình trồng mít thái không hạt là vì việc cải tạo đất trồng điều hiệu quả thấp sang trồng mít rất đơn giản. Với những mảnh vườn dễ thoát nước, chỉ cần đào hố theo đúng quy cách là trồng được mít, nhất là giống mít Thái không hạt. Cây mít dễ chăm sóc, kỹ thuật đơn giản, không mất nhiều công lao động. Mặt khác, mít thái được thị trường ưa chuộng, đầu ra thuận lợi và giá trị kinh tế tương đối cao. Hơn nữa, cây mít Thái thích nghi với thổ nhưỡng đất đai của huyện Đạ Tẻh nói chung và thôn Đạ Nhar nói riêng. 

Mô hình mít thái không hạt của anh K'Vàm- Thôn Đạ Nhar. Mô hình chuyển đổi từ đất điều già cỗi
Mô hình mít thái không hạt của anh K'Vàm- Thôn Đạ Nhar. Mô hình chuyển đổi từ đất điều già cỗi

Tháng 7/2018, Hội đã trực tiếp đặt mua cây giống và hướng dẫn anh K’Vàm đào hố trồng theo mật độ dày 4m x 4m; dùng rơm, rạ, cỏ rác đậy xung quanh bầu để giữ ẩm và dùng cọc cắm cố định cho cây khỏi ngã đổ. Tổng số tiền Hội hỗ trợ mô hình là 5.700.000đ. Để đảm bảo độ ẩm cho cây, gia đình anh K’Vàm đã đầu tư hệ thống tưới bép trên toàn bộ diện tích. Qua 3 năm, vườn mít thái của anh K’Vàm hiện đang phát triển tốt và hứa hẹn những vụ mùa bội thu trong những năm tới.

Anh K’Vàm phấn khởi nói với chúng tôi: “Tôi rất vui vì được Hội Nông dân xã chọn làm điểm mô hình trồng mít thái này. Trồng mít tôi không phải bỏ nhiều công lao động, chăm sóc cây đơn giản, phân bón ít. Thấy vườn mít của tôi ít sâu bệnh, phát triển tốt, bà con hội viên đến tham quan, tôi đều chỉ cho họ những gì tôi biết và động viên họ mạnh dạn chuyển đổi sang trồng mít như gia đình tôi. Sang năm, nếu thu nhập từ mít thái đạt hiệu quả, thời gian tới tôi sẽ mở rộng diện tích ra thêm 0,3 ha nữa để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình”.

Cao Thủy

Lượt xem: 985
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 003030442
  •  Đang online: 145
  •  Trong tuần: 11.962
  •  Trong tháng: 81.851
  •  Trong năm: 81.851