TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
Đạ Tẻh: Thúc đẩy chuyển đổi số phục vụ cải cách hành chính In trang
21/03/2023 07:12 CH

Công cuộc chuyển đổi số, hiện đại hóa hành chính đang góp phần không nhỏ trong thúc đẩy công tác cải cách hành chính (CCHC) tại Đạ Tẻh, nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính địa phương; giảm thời gian và chi phí từ ngân sách; nâng cao chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Vận hành Trung tâm Điều hành thông minh IOC tại huyện Đạ Tẻh

 

• PHÁT HUY HIỆU QUẢ TRUNG TÂM IOC 

Theo UBND huyện Đạ Tẻh, một trong những chức năng mà huyện phát huy khá hiệu quả từ Trung tâm Điều hành thông minh (IOC - Intelligent Operation Center) của huyện trong thời gian gần đây là công tác giám sát giao thông trên địa bàn và việc tiếp nhận phản ánh của người dân.

Trong tháng 4/2022, Đạ Tẻh đã phối hợp với Viễn thông Lâm Đồng để xây dựng Trung tâm IOC tại huyện. Trung tâm này là nơi tích hợp thông tin kinh tế - xã hội, hệ thống giám sát hành chính công của huyện, tiếp nhận và xử lý phản ánh hiện trường trực tuyến cùng các hệ thống điều hành về du lịch, giáo dục, y tế, quản lý rừng, quản lý kinh doanh và quản lý đô thị. Đến tháng 12/2022, Trung tâm IOC của huyện chính thức đi vào vận hành.

Về cơ bản các số liệu về tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương đến nay đã được cập nhật tại đây, đáp ứng việc hiển thị và tra cứu trên các biểu đồ phân tích tại Trung tâm và tra cứu trên ứng dụng “Đạ Tẻh trực tuyến”. Số liệu từ thu ngân sách của Chi cục Thuế khu vực Đạ Huoai - Đạ Tẻh - Cát Tiên cũng được cập nhật tại đây. 

Cùng đó, Trung tâm IOC Đạ Tẻh đã tích hợp 3 máy ghi hình (camera) tầm cao hiện nay và 25 máy ghi hình giám sát giao thông được kết nối từ Công an huyện nhằm kiểm tra, giám sát giao thông, an ninh trật tự, quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn huyện. Qua hệ thống này, ngành chức năng huyện đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm giao thông cũng như một số trường hợp đốt rẫy để kịp thời xử lý. Trung tâm cũng tiếp nhận và xử lý nhiều phản ánh của người dân liên quan trong nhiều lĩnh vực.

• THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI SỐ 

Là huyện dẫn đầu công tác CCHC khối huyện, thành trong 2 năm liền 2020, 2021 gần đây của tỉnh Lâm Đồng, Đạ Tẻh có rất nhiều nỗ lực trong công tác CCHC, trong hiện đại hóa nền hành chính, chuyển đổi số, hướng đến một chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số.

Việc xây dựng huyện thông minh đã được huyện bắt đầu từ năm 2021 với việc nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị hệ thống lấy số tự động, hệ thống đánh giá chất lượng phục vụ tại Bộ phận Một cửa UBND huyện. Trong năm 2022 vừa qua, huyện cũng kiện toàn và đưa vào hoạt động Ban Chỉ đạo chuyển đổi số trên địa bàn.

Cho đến nay, toàn bộ 100% cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội tại huyện đều được trang bị máy tính để làm việc; toàn bộ cơ quan, đơn vị trên địa bàn đều có hệ thống mạng nội bộ (LAN), được kết nối mạng toàn cầu (internet) tốc độ cao; hệ thống máy tính của các cơ quan khối Đảng đều được kết nối mạng truyền số liệu nội bộ riêng và mạng toàn cầu - internet băng thông rộng, tốc độ cao.

Đến nay, hệ thống quản lý văn bản và điều hành “iOffice” đã được huyện triển khai đến toàn bộ các cơ quan, đơn vị từ huyện đến xã, thị trấn; kết nối liên thông với hệ thống IDOC của khối Đảng, đoàn thể. Đã có trên 90% văn bản đi được ký số và gửi nhận qua hệ thống iOffice, trục liên thông của tỉnh và hệ thống thư điện tử công vụ. Ứng dụng “Đạ Tẻh trực tuyến” cũng giúp huyện bước đầu kết nối người dân với chính quyền; cùng đó là việc xây dựng hệ thống quản lý thu ngân sách, phát triển hệ thống truyền thanh thông minh; xây dựng hệ thống hội nghị trực tuyến tại 11 điểm cầu trong huyện.

Đạ Tẻh cũng thực hiện việc tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính (TTHC) trên hệ thống dịch vụ công tỉnh Lâm Đồng; thực hiện số hoá hồ sơ giải quyết TTHC đạt trên 50%; thực hiện chứng thực điện tử trên Cổng dịch vụ công quốc gia với hơn 7.800 hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ toàn trình đạt trên 45%, tỷ lệ thanh toán trực tuyến toàn huyện đạt trên 56%.

Cùng với việc niêm yết công khai toàn bộ 327 thủ tục hành chính trên 17 lĩnh vực tiếp nhận và giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ phận Một cửa UBND huyện, trong năm 2022, huyện đã tiếp nhận và giải quyết 2.563 hồ sơ trong tất cả các lĩnh vực; TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông có tỷ lệ giải quyết đạt 100%.

Đến nay, Đạ Tẻh cũng hoàn thiện hạ tầng số, hạ tầng mạng thông tin di động trên địa bàn; 9/9 xã có phủ sóng di động 4G và mạng lưới cáp quang đến tận các khu dân cư. Toàn bộ các thôn và tổ dân phố trên địa bàn huyện đều sử dụng dịch vụ điện thoại di động và dịch vụ truy cập mạng toàn cầu internet; 60% thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh; hầu hết các trường học bệnh viện trên địa bàn huyện đều được trang bị hạ tầng băng thông rộng, mạng tốc độ cao, đảm bảo tính kết nối liên thông toàn huyện. 

Cùng đó Đạ Tẻh cũng thành lập 9 tổ công nghệ số cấp xã, 77 tổ công nghệ số cấp thôn để hướng dẫn người dân tiếp cận kỹ năng số, đồng thời, tăng cường tuyên truyền công tác chuyển đổi số của huyện đến người dân thông qua các kênh truyền thông như hệ thống truyền thanh cơ sở, bảng tin điện tử công cộng, mạng xã hội, zalo cổng hành chính công.

• VẬN ĐỘNG DÂN SỬ DỤNG CÁC DỊCH VỤ SỐ 

Dù nhiều nỗ lực nhưng như UBND huyện Đạ Tẻh cho biết, vẫn còn những khó khăn, hạn chế trong việc thúc đẩy xây dựng xã hội số hiện nay tại huyện. 

Trước nhất, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin triển khai các giải pháp tích hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ chuyển đổi số chưa được đầu tư đồng bộ; đường truyền thường xuyên quá tải dẫn đến việc đăng ký tài khoản và xử lý hồ sơ trực tuyến mất nhiều thời gian hơn làm thủ công trực tiếp. Khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của một số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiện vẫn còn hạn chế; còn tâm lý ngại giao dịch điện tử của người dân vùng nông thôn.

Trong năm 2023, UBND huyện Đạ Tẻh cho biết sẽ tiếp tục vận động người dân trên địa bàn tham gia vào các dịch vụ số như đăng ký và sử dụng mã định danh; đăng ký tài khoản và sử dụng dịch vụ công trực tuyến; đăng ký các tài khoản ngân hàng, ví điện tử để thúc đẩy thanh toán điện tử; hướng dẫn đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử; phấn đấu toàn bộ các hộ gia đình tại huyện đều được hướng dẫn đăng ký sử dụng các dịch vụ số.

UBND huyện cũng tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo phát triển chính quyền số; nâng cấp đồng bộ Bộ phận Một cửa tại các xã, thị trấn; kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phát huy tinh thần trách nhiệm người đứng đầu của các địa phương, đơn vị trong công cuộc chuyển đổi số; tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng phát huy vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng.
Huyện cũng cho biết thêm, sắp đến sẽ phấn đấu thực hiện hồ sơ trực tuyến toàn trình, thanh toán trực tuyến, số hóa kết quả TTHC theo quy định; nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm IOC huyện; duy trì ngày tiếp dân bên cạnh ngày tiếp công dân theo luật để lắng nghe và chỉ đạo giải quyết TTHC đã được giải quyết mà người dân chưa hài lòng; duy trì ngày thứ 6 hằng tuần giúp dân, trong đó cử cán bộ tại Bộ phận Một cửa các cấp giúp dân điền hồ sơ. Đồng thời, UBND huyện cũng sẽ cho phát động đợt thi đua “90 ngày giải quyết TTHC trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn huyện” trong thời gian đến.

VIẾT TRỌNG (BaoLamDong.vn)

Lượt xem: 650
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 003029717
  •  Đang online: 144
  •  Trong tuần: 11.237
  •  Trong tháng: 81.126
  •  Trong năm: 81.126