TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
Hạt ngọc "Gạo Nếp Quýt Đạ Tẻh" - "đại sứ" của cao nguyên In trang
30/06/2016 12:00 SA

“Gạo Nếp Quýt Đạ Tẻh” không là giấc mơ thương hiệu nữa mà đang thành hiện thực, ít ngày nữa thôi cùng với “Lúa gạo Cát Tiên”, “hạt ngọc” “Gạo Nếp Quýt Đạ Tẻh” sẽ làm đầm ấm, hạnh phúc thêm bao bữa cơm trên mọi miền quê cùng các phương trời. Rồi ngày Tết cổ truyền của dân tộc, hương vị thơm thảo cặp bánh chưng xanh gạo Nếp Quýt dâng lên bàn thờ gia tiên khi mở ra làm dạ cồn cào khiến người ta lại nhớ tới một miền quê dung dị, phồn vinh trên Nam Tây Nguyên là An Nhơn - Đạ Tẻh - Lâm Đồng.     

Một góc cánh đồng Nếp Quýt xã An Nhơn (huyện Đạ Tẻh) - Ảnh: KHÁNH PHÚC
Một góc cánh đồng Nếp Quýt xã An Nhơn (huyện Đạ Tẻh) - Ảnh: KHÁNH PHÚC

Đã hình thành vùng lúa chất lượng cao 1.250 ha và khát vọng Nếp Quýt

Tháng 6 vừa qua, tại Hội nghị Báo cáo viên toàn tỉnh do Huyện ủy Đạ Tẻh đăng cai, trong phần phát biểu chào mừng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trương Thái Anh Quốc khi giới thiệu những thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật của vùng kinh tế mới qua 30 năm xây dựng cũng đã say sưa khẳng định nền nông nghiệp Đạ Tẻh sẽ có sự phát triển bền vững trong tương lai gần; đặc biệt là việc mở rộng diện tích trồng Nếp Quýt, loại nếp đặc sản của địa phương.

Nếp Quýt thì rõ ràng thơm, dẻo và ngon rồi; mấy Tết nay, thị dân Đà Lạt thay vì tầm nếp Tùng Nghĩa, nếp Hà Nội… đã thường nhắc nhau nhớ tìm mua cho được loại Nếp Quýt Đạ Tẻh để mà đồ xôi, gói bánh chưng hoặc gửi dăm bảy kg biếu người thân. Thế nhưng để xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Nếp Quýt Đạ Tẻh” thì có khả quan không? Đạ Tẻh và Cát Tiên là hai huyện sát vách, nhãn hiệu “Lúa gạo Cát Tiên” đã được chứng nhận rồi nay sắp thêm Nếp Quýt Đạ Tẻh nữa, e rằng có phần nào  chạy theo phong trào không? Trong lúc giải lao, ngồi uống trà trong phòng Phó Bí thư Huyện ủy, trước băn khoăn của tôi, anh Trương Thái Anh Quốc vuốt mái tóc bồng bềnh, pha sương trước tuổi - trông Phó Bí thư dễ nhầm là một nghệ sĩ, mà nghĩ vậy cũng đúng thôi vì anh nguyên là cán bộ ngành văn hóa, thời trai trẻ rời quê hương cát trắng, gió Lào Quảng Trị vào từ những ngày chưa thành lập huyện, nghe nói “họa sĩ” này có khả năng vẽ áp phích, pano cùng lúc cả hai tay - với tâm trạng phấn khởi tươi cười: - Không hay loại nếp thời Hùng Vương, thời Lang Liêu gói bánh chưng, bánh dày thơm ngon thế nào chứ danh “hạt ngọc của đất - trời ” Nếp Quýt Đạ Tẻh quả là đã lan xa tới nhiều vùng miền trong nước.

Vài giây lặng im như để thưởng thức vị trà Thái Nguyên đượm ngọt, anh Quốc lên tiếng: - Nhà báo đặt câu hỏi có cơ sở và khá lý thú đấy. Xây dựng nhãn hiệu “Gạo Nếp Quýt Đạ Tẻh” được huyện ấp ủ đã đôi năm nay rồi… Dường như chạm vào vấn đề tâm huyết, giọng anh vốn nhỏ nhẹ giờ sôi nổi hẳn lên, vanh vách cho biết: Đạ Tẻh có diện tích tự nhiên trên 52.340 ha, trong đó, đất sản xuất nông nghiệp khoảng 15.000 ha. Trong huyện có hệ thống sông suối phân bố mật độ khá dày thuận lợi cho việc xây dựng các hồ chứa, đập dâng phục vụ sản xuất. “Thiên thời, địa lợi” cộng với kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp lâu đời của cư dân từ ba miền hội tụ nên Đạ Tẻh đã trở thành một vùng sản xuất lúa trọng điểm của Lâm Đồng. Với diện tích đất nông nghiệp chuyên trồng lúa 2.500 ha, hàng năm huyện thu hoạch trên 30.000 tấn lương thực, trong đó mấy năm gần đây mở rộng được khoảng 1.250 ha lúa chuyên sản xuất lúa chất lượng cao. Đối với sản xuất Nếp Quýt hiện nay toàn huyện gieo trồng khoảng 300 - 350 ha/vụ, năng suất bình quân khoảng 5-6 tấn/ha. Lúa thích hợp cả 3 vụ trong năm. Sản lượng bình quân cả năm khoảng 3.600 tấn. Sản phẩm gạo Nếp Quýt được các thương lái thu mua tiêu thụ tại Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh… Từ tháng 2/2016, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng Đề cương Dự án xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Nếp Quýt Đạ Tẻh”. Đề án được xây dựng tương đối công phu, đã qua hai lần hội thảo và dự kiến tháng 8/2016 sẽ nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Nếp Quýt Đạ Tẻh”.

Nhân nói chuyện gạo nếp, tôi sực nhớ mới đây có đọc Phủ biên tạp lục của nhà bác học Lê Quý Đôn, có ghi chép: “… Các huyện về phủ Triệu Phong (thuộc hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị bây giờ) có các loại lúa nếp: Nếp Mây, Nếp Kỳ lân, mùi thơm chất mềm, tháng 9 gieo mạ, tháng 11 cấy, tháng 4 được gặt. Nếp Suốt, Nếp Hạt cau, Nếp Mía, tháng 9 gieo mạ, tháng 11 cấy, tháng 4 được gặt, nơi ruộng sâu thì trồng vào tháng 12…”. Với những kiến thức bản địa tra cứu từ thư tịch cổ, Trung tâm tài nguyên thực vật đã tiến hành thu thập và đưa vào lưu trữ trong Ngân hàng gen cây trồng Quốc gia nhiều giống nếp của địa phương này... Đạ Tẻh, vùng đất này trước thuộc huyện Đạ Huoai, năm 1986 mới chia thành 3 huyện mới: Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên. Cư dân những ngày đó phần lớn là người đi xây dựng vùng kinh tế mới ngoài Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Bình Định… và một số từ các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Thoáng băn khoăn, tôi buột hỏi: - Phải chăng Nếp Quýt là giống lúa cổ từ Quảng Trị nay có tên gọi mới… vì nhà bác học Lê Quý Đôn đã khảo sát, liệt kê nhiều giống nếp ngon từ vùng đất này?

- Lạ thay nguồn gốc Nếp Quýt lại từ miền rừng thẳm, núi đá Cao Bằng theo chân người Tày, Nùng di cư tự do vào Đạ Tẻh, được nông dân xã An Nhơn nhân trên diện rộng khoảng 20 năm nay! 

- Phó Bí thư Huyện ủy cười khà khà: - Như một câu chuyện cổ tích phải không? Trưa nay, thế nào ta cũng được thưởng thức xôi Nếp Quýt chấm với muối vừng ngon không chê được! Nhưng nhớ là không… dùng đũa hỉ!

Chân dung xã nông thôn mới An Nhơn

Phó Bí thư Đảng ủy xã An Nhơn Bế Văn Bối phấn khởi khi nghe tôi ngỏ ý tìm hiểu về tình hình sản xuất Nếp Quýt ở địa phương. Thăm hỏi ban đầu, Phó Bí thư cho biết anh sinh năm 1961, quê ở huyện Hạ Lang, Cao Bằng. Trước là cán bộ lâm nghiệp, gia đình làm nông. Khi mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu cũ với cung cách “đánh kẻng ghi công”, “cha chung không ai khóc” tan rã, đất ai trả cho hộ ấy làm, gia đình ít ruộng mà con lại đông nên anh quyết định đưa vợ con vào chọn Đạ Tẻh là quê hương thứ hai. Ban đầu làm ruộng rồi được tín nhiệm làm thôn trưởng, Phó trưởng Công an xã, đến năm 2005 làm Phó Bí thư Đảng ủy xã và tới nay đã tham gia 3 nhiệm kỳ.

- Ầy, nhà báo muốn biết về Nếp Quýt à? - Anh Bế Văn Bối hỏi lại và mộc mạc mở đầu câu chuyện: - Xã An Nhơn có 7 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 70% và đa phần là người các tỉnh miền núi phía Bắc. Ở đây trồng Nếp Quýt, 1 năm 2 vụ, Đông Xuân là chính. Vụ Đông Xuân vừa qua, toàn xã trồng 280 ha, năng suất 52 tạ/ha. Giá lúa tươi 8.800 đồng/kg, trong khi lúa nếp Hà Nội chỉ 6.600 đồng/kg. Các năm trước bán giá lúa khô chỉ 11-12 ngàn đồng 1 kg. Nay nông hộ cắt đến đâu thương lái mua, trả tiền mua luôn tới đó. Ầy, anh hỏi ai là người đưa giống Nếp Quýt vào đây à! Đó là bác Ma Ngọc Thanh - nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, ở thôn 4A… Nhà cũng gần đây nhưng không hay nay có nhà không?

Anh Bối sốt sắng móc điện thoại rổn rảng alo rồi nhìn tôi cười rạng rỡ: - May quá, bác ấy có nhà chứ không mê vào rừng nghe chim hót lắm! 

Trên đường đến nhà bác Ma Ngọc Thanh, Phó Bí thư xã cởi mở giới thiệu: Từ 1983, xã An Nhơn đã có một số cư dân Bình Định vào xây dựng kinh tế mới và năm 1986 chính thức hình thành. An Nhơn là xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh, đã được công nhận vào cuối năm 2015. Việc xây dựng nông thôn mới, nhất là việc xây dựng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng được nhân dân đồng thuận ủng hộ và góp công của tham gia. - Với những điều kiện thuận lợi như vậy, làm nông nghiệp ở An Nhơn chắc ăn quá!

Anh Bối gật đầu, chân thành tâm sự: - So với vùng Cao Bằng chúng tôi quanh năm ăn ngô, ăn sắn mà có những cánh đồng lúa mênh mang, tươi tốt quanh năm như ở An Nhơn thì quả là niềm mơ ước. Nói anh mừng, vụ Đông Xuân qua, hộ ông Nông Văn Hải (thôn 4A) thu 8 tấn Nếp Quýt, bán được gần 90 triệu đồng...

Thầy giáo già có duyên với Nếp Quýt   

Nhà bác Ma Ngọc Thanh sát đường tỉnh lộ chạy vào Cát Tiên, trước căn nhà xây có mương thủy lợi chạy ngang, nhìn ra đồng lúa hè thu xanh mướt, chấp chới  cánh cò trắng chao liệng giữa không gian thanh bình. Cứ ngỡ sẽ gặp một lão nông tri điền nào ngờ bắt tay tôi ấm áp, thân tình lại là lão ông có vầng trán cao, ánh mắt sáng sự thông minh, cử chỉ nhanh nhẹn. Năm nay, bác 75 tuổi và góc trang trọng giữa nhà có treo Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng nhận vào năm 2012. Không “lão nông” cũng phải thôi, bác Thanh quê ở Hòa An, Cao Bằng. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên về dạy văn cấp 2 - 3 ở mỏ thiếc Tĩnh Túc. Năm 1996, hai vợ chồng nghỉ hưu, cũng là lúc vùng mỏ cạn thiếc nên kinh tế sa sút, nghe lời bà con nói ở Lâm Đồng dễ làm ăn nên vào An Nhơn để lo gây dựng tương lai cho con cái.

Ông Ma Ngọc Thanh (bên trái) trao đổi công việc xã nhà với Phó Bí thư Đảng ủy xã Bế Văn Bối
Ông Ma Ngọc Thanh (bên trái) trao đổi công việc xã nhà với Phó Bí thư Đảng ủy xã Bế Văn Bối

Bác Thanh kể: Năm 1997 ra thị trấn Đạ Tẻh thăm đồng hương nghe bà con bàn chuyện có giống Nếp Quýt từ Cao Bằng vào trồng rất thích hợp, cao 2 giá so với nếp Tàu, nếp Hà Nội. Ông nhờ bà con mua giúp giống, người nhà sang hàng xóm nằn nì mãi họ mới để cho 15 kg lúa giống. Ông trồng thử nghiệm trên diện tích 800 m2. Cái giống Nếp Quýt có chất lượng cao thế nào không biết nhưng yếu điểm là cây nhỏ, cao, lá dài, thân yếu, dễ đổ, vào mùa mưa nếu ngã xuống dễ bị lên mộng. Trong quá trình sinh trưởng, ruộng ngào ngạt hương thơm quyến rũ sâu rầy đến sinh sôi, phá hoại… Từ lúc gieo mạ cho đến khi lúa trĩu hạt, ông Thanh sáng, chiều nào cũng thăm đồng. Phát hiện có sâu rầy, ông đến nhà cán bộ khuyến nông trao đổi cách phòng chống… Cây lúa nếp không phụ công chăm sóc, bén duyên với vùng đất mới với “thầy giáo già” đã cho một vụ bội thu hơn các giống lúa nếp khác trong vùng. Gạo Nếp Quýt có màu trắng đục, không bị biến màu; hạt bầu tròn, ngắn; có mùi thơm tự nhiên, không có mùi lạ… Vụ ấy, ông lựa những bông lúa chuẩn để làm giống cho gia đình và vận động một số bà con trong thôn trồng thử, phần còn lại bán được giá cao hơn Nếp Tàu, Nếp Hà Nội. Sau mấy vụ, nhân dân trong thôn so sánh thấy trồng Nếp Quýt của “thầy Thanh”, “Phó Chủ tịch Hội Nông dân” cho năng suất, chất lượng, giá bán cao nên không ai bảo ai đều dành một vài chân ruộng để trồng giống nếp mới. Mấy năm nay, gieo trồng Nếp Quý trở thành đại trà, một năm 2 vụ nhưng tập trung làm vụ Đông Xuân, từ tháng 9, tháng 10 mới vào vụ vì thời điểm này ít mưa, thu hoạch vào thời điểm sắm Tết nên bán được giá cao hơn… Theo bác Thanh: Nếp Quýt không chỉ thơm, dẻo hơn mà có ưu điểm lâu thoái hóa giống hơn Nếp Hà Nội, Nếp Hà Nội chỉ sang năm thứ 3 - 4 là kém về năng suất, phẩm chất. Để trồng thành công giống nếp này, các nông hộ phải chú trọng khâu lựa giống, sản phẩm bán ra bị lẫn lúa khác là thương lái ép giá ngay.

- Chắc vụ Đông Xuân qua nhà mình thu cũng khá?

Bác Thanh mỉm cười hiền hậu: - Mình cũng đến lúc nghỉ ngơi vui với con cháu rồi. Có 1,2 ha ruộng thì chia cho 3 người con, mỗi đứa 4 sào. Hai ông bà ăn là mấy mà có lương hưu rồi! - Ngưng lời, tôi chợt bắt gặp ánh mắt thoáng xa xăm của bác Thanh. Ông bắt tay tôi rất chặt và lắc mạnh, giọng đôi phần ngẹn ngào: - Anh ạ, coi như vợ chồng tôi đã hoàn thành tâm nguyện, bổn phận khi để lại sau lưng đèo Giang, đèo Gió của quê hương cách mạng Cao Bằng. Trên vùng đất mới Đạ Tẻh, bước vào cuộc “cách mạng” làm kinh tế lo cho con cháu, mình đã xong việc, giờ thì lo sống vui, sống khỏe…  

“Đại sứ” của cao nguyên

Trở lại trụ sở UBND xã An Nhơn, Chủ tịch UBND xã Trần Mạnh Nhuần hồ hởi thông báo: An Nhơn có diện tích gieo trồng bình quân hằng năm 2.186 ha; trong đó canh tác lúa nước 1.550 ha, năng suất đạt 50 tạ/ha, sản lượng lương thực quy thóc 8.237 tấn… Đến năm 2015, diện tích lúa chất lượng cao đạt 500 ha, giá trị bình quân 80 triệu đồng/ha, tăng 35-40 triệu đồng so với năm 2010. Đặc biệt, các ngành dịch vụ nông nghiệp từng bước phát triển đáp ứng yêu cầu sản xuất như đưa cơ giới hóa vào khâu làm đất, diệt cỏ, phun thuốc, thu hoạch… Thời gian tới, An Nhơn sẽ tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng năng suất, chất lượng, ổn định vùng sản xuất lúa chất lượng cao 500 ha, vận động nhân dân áp dụng KHKT vào đầu tư thâm canh, chủ động phòng chống sâu bệnh, dịch hại, đến năm 2020 giá trị sản xuất trên 1 ha đạt 100 - 120 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 0,5%. Hai trong ba chương trình trọng tâm là: Chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cánh đồng mẫu lớn… Với những yếu tố nền tảng như vậy, thời gian qua, theo Nghị quyết của Huyện ủy về “phát triển kinh tế nông nghiệp theo chiều sâu: Năng suất - Chất lượng - Hiệu quả”, An Nhơn đang tiến tới thành lập HTX nông nghiệp sản xuất lúa chất lượng cao gắn với thương hiệu “Gạo Nếp Quýt Đạ Tẻh” sản xuất Nếp Quýt An Nhơn, đã có 160 hộ nông dân đăng ký vào HTX và dự kiến trong tháng 8 tới sẽ đại hội xã viên… Mong sao dịp đó, xã được đón anh về dự!

Chia tay An Nhơn, chia tay huyện Đạ Tẻh trước thời điểm Đảng bộ, chính quyền, nhân dân đang nô nức chào mừng 30 năm thành lập huyện. Thấm thoắt đã 10.950 ngày vật lộn với chốn “rừng thiêng nước độc”, vượt qua biết bao gian lao, thiếu thốn và những người dân vốn lam lũ “một nắng hai sương” trên các miền quê của đất nước về đây chung tay để làm nên một miền “đất hứa”, một vùng “đất lành” đang ngày thay da đổi thịt, từ nghèo khó và cơ hàn nay đã gây dựng nên cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tương lai sáng lạn đã và đang tỏa sáng trên vùng đất chiến khu oai hùng năm xưa. Vui sao khi Nếp Quýt An Nhơn - Đạ Tẻh, vị “đại sứ” của núi rừng cao nguyên, “đại sứ” của truyền thống mấy ngàn năm gây dựng và phát huy nền văn minh nông nghiệp của dân tộc Việt lại lan tỏa đi bốn phương trời, làm nên sự phồn thịnh của hàng vạn nông dân huyện Đạ Tẻh.

Phóng sự: ĐAN THANH - baolamdong.vn

Lượt xem: 2.231
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 003035572
  •  Đang online: 61
  •  Trong tuần: 17.092
  •  Trong tháng: 86.981
  •  Trong năm: 86.981