TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
Đòn bẩy phát triển bền vững dâu tằm tại huyện Đạ Tẻh In trang
16/11/2020 11:53 SA

Năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt Dự án Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới để phát triển bền vững ngành dâu tằm tại huyện Đạ Tẻh. Đến nay, Dự án này được xem là đòn bẩy để huyện phát triển bền vững nghề trồng dâu, nuôi tằm. 

Thu hoạch dâu lai tại huyện Đạ Tẻh
Thu hoạch dâu lai tại huyện Đạ Tẻh

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị chủ trì Dự án, Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng là tổ chức chuyển giao công nghệ. Dự án xây dựng 4 mô hình gồm: Trồng mới vườn dâu bằng giống dâu mới; cải tạo vườn dâu cũ để tăng năng suất; nuôi tằm 2 giai đoạn nhằm tăng hiệu quả; liên kết sản xuất, tiêu thụ kén tằm để phát triển ổn định, bền vững.

Trong thời gian thực hiện dự án, Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các xã Quốc Oai, An Nhơn, Đạ Pal để hỗ trợ chuyển giao quy trình công nghệ trong việc trồng dâu và nuôi tằm, gồm: Quy trình trồng mới vườn dâu, cải tạo vườn dâu cũ; quy trình nuôi tằm con tập trung; quy trình nuôi tằm lớn; quy trình phòng sâu bệnh hại dâu; quy trình phòng bệnh hại tằm; quy trình lên né, phân loại, bảo quản kén tằm. Đã có hơn 300 lượt người dân thuộc hộ gia đình thực hiện dự án nắm và ứng dụng thành thạo quy trình kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm. 

Đến năm 2020, diện tích dâu tằm trên địa bàn huyện Đạ Tẻh đạt 1.660 ha, chiếm 11,5% diện tích đất nông nghiệp toàn huyện, tăng 1.010 ha so với năm 2017 và là huyện có vùng sản xuất dâu tằm lớn thứ 2 của tỉnh Lâm Đồng. Giống dâu tằm sử dụng chủ yếu là giống có năng suất cao như S7-CB, VA 201, TBL 03 đạt trên 85% diện tích canh tác; 70% diện tích dâu tằm được trồng liền vùng, liền thửa, được chuyển đổi từ đất trồng lúa 1 vụ, đất trồng điều hiệu quả thấp, từ đó đã tạo thành vùng nguyên liệu tập trung, thuận lợi cho việc chăm sóc, ứng dụng cơ giới hóa và lắp đặt hệ thống tưới phun mưa để chủ động phòng chống hạn trong mùa khô. Năng suất lá dâu thu hoạch năm thứ 3 đạt từ 24 - 25 tấn/ha, tăng bình quân 8 tấn/ha so với năm 2017. Trong sản xuất vườn dâu, người dân có trách nhiệm rất cao trong việc vệ sinh, hạn chế sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để không gây ngộ độc khi nuôi tằm.

Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp, hiện trên địa bàn huyện Đạ Tẻh có 2.830 hộ dân với trên 7.000 lao động thường xuyên trồng dâu và nuôi tằm, chiếm 21,9% số hộ và 24,7% số người trong độ tuổi lao động của huyện. Cây dâu, con tằm trở thành chủ lực trong cơ cấu cây trồng, vật nuôi và thu nhập chính của phần lớn hộ dân. Từ việc ứng dụng các quy trình kỹ thuật mới trong quá trình chăm sóc vườn dâu và nuôi tằm, các hộ dân đã áp dụng nhiều biện pháp và đầu tư dụng cụ để sản xuất kén chất lượng cao. Trước đây, hộ dân sử dụng né tre, tạo ra kén tằm sử dụng cho ươm tơ thủ công. Hiện nay, người dân đã thay hoàn toàn bằng né gỗ hoặc né gỗ đôi, sản phẩm kén tằm đáp ứng yêu cầu cho các hệ thống dây chuyền ươm tơ tự động; 20% hộ dân làm nhà nuôi tằm kiên cố có diện tích từ 30 - 70 m2 tách biệt với nhà ở; trên 10% hộ lắp đặt hệ thống làm mát cho nhà tằm trong mùa khô bằng máy phun mưa mái nhà, phun sương quanh nhà. Đặc biệt, nếu như từ năm 2017 trở về trước, trên địa bàn huyện Đạ Tẻh không có hộ đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên làm nghề trồng dâu nuôi tằm, thì đến nay đã có trên 50 hộ gắn bó với cây dâu, con tằm, trở thành hộ có thu nhập ổn định và khá trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên

Hiện, trên địa bàn huyện có 11 cơ sở nuôi tằm con tập trung; trong đó, có 3 cơ sở được hỗ trợ thực hiện mô hình từ dự án. Năng lực bình quân đáp ứng khoảng 15.500 hộp giống tằm/năm (khoảng 30% nhu cầu toàn huyện). Chất lượng giống tằm cung cấp cho các hộ nuôi tằm lớn cơ bản đáp ứng yêu cầu, giống tằm đồng đều, khỏe mạnh, ít bị bệnh. Sản lượng kén tằm năm 2020 của huyện Đạ Tẻh đạt khoảng 1.800 tấn. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên đơn vị diện tích trồng dâu, nuôi tằm đạt 180 triệu đồng/ha, cao gấp 1,85 lần so với giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân các loại cây trồng khác trên địa bàn huyện (khoảng 97 triệu đồng/ha). 3 xã thực hiện dự án đều thành lập hợp tác xã nông nghiệp dâu tằm, để liên kết các hộ dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng. Năm 2018, huyện Đạ Tẻh đã thu hút 1 doanh nghiệp đầu tư nhà máy ươm tơ tự động với công suất tiêu thụ trên 3 tấn kén/ngày, tạo việc làm thường xuyên cho 60 lao động nông thôn, thúc đẩy việc cạnh tranh tiêu thụ kén tằm cho các hộ dân. Sản phẩm tơ tằm của Đạ Tẻh chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ và năm 2019, tơ tằm Đạ Tẻh được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận là sản phẩm OCOP đạt 4 sao.

Sự phục hồi phát triển của ngành tơ tằm trong giai đoạn 2015 - 2020 từ việc triển khai thực hiện Dự án Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới để phát triển ngành dâu tằm tại huyện Đạ Tẻh của Bộ Khoa học và Công nghệ, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và lan tỏa rộng trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa bàn huyện Đạ Tẻh, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế tại địa phương nói chung; phát triển bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm nói riêng.

Phạm Công Tám

Lượt xem: 1.057
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 003110917
  •  Đang online: 85
  •  Trong tuần: 28.561
  •  Trong tháng: 123.106
  •  Trong năm: 1.099.326