Ngày 30/9, Tòa án nhân dân huyện Đạ Tẻh mở phiên xét xử công khai vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” xảy ra trên địa bàn. Hội đồng xét xử đã tuyên xử phạt đối với 8 bị cáo với tổng hợp hình phạt 49 tháng tù giam, 42 tháng tù treo. Đây là phiên tòa thực hiện “số hóa hồ sơ vụ án” và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa, thực hiện Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
|
Các bị can nghe cáo trạng |
Coi thường pháp luật chiếm đoạt tài sản
Các bị can có mặt tại phiên tòa đều trú tại các tổ dân phố thuộc thị trấn Đạ Tẻh; nghề nghiệp khác nhau: công nhân, lao động tự do, lái xe, buôn bán, làm rẫy, làm thuê…Bao gồm: Bùi Thị Vân Hiền (1991), Nguyễn Quốc Đạt (1990), Kiều Bích Ngọc (1997), Đoàn Văn Thao (1996), Phạm Thanh Quang (1997), Vũ Hồng Phong (1992), Trần Phạm Chí Tâm (2002) và Nguyễn Phi Hùng (2002). Khoảng 19 giờ ngày 18/01/2020 tại nhà anh Lê Hồng Sơn (1981), trú tại tổ dân phố 1C, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, Hiền cùng Đạt, Ngọc, Thao, Quang, Phong, Tâm và Hùng đã ép buộc, uy hiếp, buộc anh Sơn phải để cho Hiền lấy một số tài sản để trả nợ thay cho vợ là chị Duyên. Tuy không được sự đồng ý của anh Sơn nhưng Hiền vẫn chỉ đạo Đạt, Ngọc, Thao, Quang, Phong, Tâm, Hùng vào lấy tài sản trong nhà anh Sơn để cấn trừ nợ. Đối với Nguyễn Văn Tuấn tuy không trực tiếp uy hiếp, khống chế chiếm đoạt tài sản của anh Sơn nhưng trong quá trình Hiền và đồng phạm thực hiện việc chiếm đoạt tài sản của anh Sơn, Tuấn biết và đã chỉ đạo Đạt dùng búa đập, phá khóa cổng nhà anh Sơn để Hiền và đồng phạm tiếp tục vào nhà thực hiện việc chiếm đoạt tài sản của anh Sơn với tổng giá trị tài sản chiếm đoạt là 47.538.000 đồng.
Cáo trạng của Viện KSND huyện Đạ Tẻh nêu: “Hành vi của các bị can là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền về tài sản của người khác một cách trái pháp luật, gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân, các bị cáo nhận thức rõ việc uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản là vi phạm pháp luật và sẽ bị pháp luật trừng trị nhưng vẫn cố tình phạm tội”. Trong quá trình điều tra, truy tố, các bị can Bùi Thị Vân Hiền, Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Quốc Đạt, Đoàn Văn Thao, Phạm Thanh Quang, Vũ Hồng Phong, Trần Phạm Chí Tâm, Nguyễn Phi Hùng đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại nên được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định. Bị can Đoàn Văn Thao có hành vi rủ Trần Phạm Chí Tâm và Nguyễn Phi Hùng là những người chưa đủ 18 tuổi đi giúp lấy tài sản cho Hiền nên phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là “xúi dục người dưới 19 tuổi phạm tội”. Bị can Phạm Thanh Quang phạm tội khi chưa được xóa án tích nên phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là “tái phạm”. Bị can Nguyễn Phi Hùng, Trần Phạm Chí Tâm phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi nên được áp dụng các quy định về xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Đối với bị can Kiều Bích Ngọc, sau khi Cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú nhưng sau đó Ngọc đã bỏ trốn, Cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã, tách vụ án và bị can để xử lý bằng vụ án khác. Trong vụ án này, còn có Trần Nhật Vinh, Đoàn Thị Hợp, Hoàng Mạnh Đạt và Trần Tuấn Anh là những người cũng đến nhà anh Sơn và có giúp Hiền lấy một số tài sản mang ra ngoài. Tuy nhiên chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015 cùng tình tiết quy định tại các Điều 51, 52, 91 của Bộ luật này, Hội đồng xét xử đã xử phạt Bùi Thị Vân Hiền, Đoàn Văn Thao, Nguyễn Quốc Đạt, Phạm Thanh Quang mỗi người 12 tháng tù; Nguyễn Văn Tuấn, Vũ Hồng Phong mỗi người 12 tháng tù và Phạm Chí Tâm, Nguyễn Phi Hùng mỗi người 09 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo.
|
Kiểm sát viên vừa đọc cáo trạng vừa minh họa bằng hình ảnh |
Hiệu quả của việc “số hóa”
Đây là phiên tòa được Viện KSND huyện Đạ Tẻh phối hợp với TAND huyện tổ chức trong quá trình xét xử công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh vụ án. Kiểm sát viên đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, tham gia xét hỏi, công bố tài liệu chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa trước Hội đồng xét xử, bị cáo và quần chúng nhân dân tham dự phiên tòa để làm rõ các nội dung, tình tiết của vụ án một cách khách quan; phân tích, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, xác định nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Trước tài liệu, chứng cứ được công bố bằng hình ảnh, video,… tại phiên tòa, các bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, đồng ý với truy tố và luận tội của VKSND huyện Đạ Tẻh.
Viện trưởng Viện KSND huyện Đạ Tẻh - ông Trần Minh Công nhận xét: “Qua thực tiễn của phiên tòa cho thấy, việc số hóa hồ sơ vụ án hình sự đã và đang đem lại những lợi ích thiết thực, giúp khai thác và tra cứu tài liệu nhanh chóng, phục vụ hiệu quả cho hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Đồng thời đảm bảo cho hoạt động tranh tụng một cách công khai, minh bạch, khách quan và có tính thuyết phục cao,…đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy được hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự của Kiểm sát viên cũng như tuyên truyền, giáo dục pháp luật sâu rộng đến quần chúng nhân dân”.
Nguồn: baolamdong.vn