TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
Đạ Tẻh phát triển nông nghiệp theo chiều sâu In trang
28/03/2020 06:00 CH

    Để phát triển kinh tế nông nghiệp theo chiều sâu với định hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả, Huyện ủy Đạ Tẻh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực này cho giai đoạn 2016 - 2020. Sau hơn 4 năm thực hiện, nền nông nghiệp của Đạ Tẻh đã định hình rõ nét các vùng sản xuất tập trung với các loại cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Những vườn cây ăn trái tại xã Quảng Trị mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân
Những vườn cây ăn trái tại xã Quảng Trị mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân

      Giá trị sản phẩm tăng 42,6%

     Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế của từng địa phương, các chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, tổng diện tích gieo trồng đạt 24.256 ha, tăng 10% so với năm 2016. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch nhanh theo hướng tăng diện tích cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, thị trường ổn định, giảm dần diện tích cây trồng có hiệu quả thấp. Nổi bật là hình thành các vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn, gồm: 1.600 ha lúa chất lượng cao, 1.200 ha bắp chuyển đổi mùa vụ, 1.527 ha dâu tằm, 3.775 ha cao su, 1.656 ha cây ăn trái, 150 ha tre tầm vông. Năng suất các loại cây trồng tăng bình quân từ 7-10% so với năm 2016.

    Năm 2019, giá trị sản phẩm thu hoạch trên đơn vị diện tích đạt 85,28 triệu đồng, ước năm 2020 đạt 97 triệu đồng, tăng 42,6% so với năm 2016. Tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển mạnh; tỷ trọng ngành chăn nuôi năm 2019 chiếm 28,7%, ước năm 2020 đạt 32% trong cơ cấu nông nghiệp.

    Huyện đã tổ chức được 22 lớp dạy nghề cho 735 lao động nông thôn, trong đó nghề nông nghiệp 15 lớp/545 lao động, nghề phi nông nghiệp 6 lớp/190 lao động. Hàng năm tổ chức từ 50 - 55 lớp tập huấn cho hơn 2.400 lượt người tham dự để chuyển giao kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi.

     Đối với việc phát triển vùng sản xuất lúa cánh đồng lớn theo hướng ứng dụng công nghệ cao; xây dựng vùng chuyên canh lúa Nếp Quýt gắn với xây dựng nhãn hiệu chứng nhận gạo Nếp Quýt Đạ Tẻh. Đồng thời áp dụng cơ giới trong khâu làm đất và thu hoạch đạt trên 98% diện tích; sử dụng giống lúa xác nhận nguồn gốc, có năng suất cao; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trên đồng ruộng nên năng suất lúa tăng 7,8% so với năm 2016. Trong giai đoạn 2016 - 2020, nghề trồng dâu, nuôi tằm tại Đạ Tẻh phát triển mạnh và đến năm 2019 đã đạt 1.527 ha, tăng 874 ha so với năm 2016. Để phát triển vùng trồng dâu nuôi tằm chất lượng cao theo mô hình liên kết dưới dạng tổ hợp tác (THT), 8/11 xã, thị trấn đã có vùng sản xuất tập trung dâu tằm diện tích từ 110 ha đến 250 ha. Cho đến nay, trên địa bàn huyện hiện có 9 HTX, 23 THT dâu tằm. Tổng số hộ trồng dâu - nuôi tằm là 3.054 hộ; sản lượng kén tằm đạt 1.800 tấn; giá trị sản phẩm thu hoạch trên đơn vị diện tích đạt 190 triệu đồng/ha/năm, tăng 11,76% so với chỉ tiêu Nghị quyết.

     Bên cạnh đó, huyện Đạ Tẻh cũng đã chuyển đổi cơ cấu mùa vụ từ 3 vụ lúa/năm sang 1,2 vụ lúa + 1 vụ bắp hoặc 1 vụ lúa + 2 vụ bắp. Diện tích chuyển đổi hàng năm đạt từ 1.200 - 1.500 ha, giá trị sản phẩm thu hoạch trên diện tích chuyển đổi mùa vụ đạt 120,5 triệu đồng/ha.

     Đối với cây điều, do hiệu quả kinh tế rất thấp, giá trị thu hoạch bình quân chỉ đạt 30 - 35 triệu đồng/ha nên từ năm 2018, huyện Đạ Tẻh đã chủ trương hỗ trợ chuyển đổi sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao với diện tích lên tới 2.284 ha. Hiện, diện tích cao su trên địa bàn huyện đạt 3.775 ha, tăng 222,9 ha so với năm 2016, trong đó 2.103 ha cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 15 tạ/ha, sản lượng đạt 3.154 tấn. Mặt khác, chăn nuôi tiếp tục phát triển mạnh, trong đó, đàn trâu bò ổn định, đàn heo tăng 34,3%; đàn gia cầm tăng 45%. Toàn huyện có 10 trang trại chăn nuôi heo tập trung quy mô lớn và hơn 1.000 hộ chăn nuôi quy mô nông hộ và gia trại. Tỷ trọng ngành chăn nuôi năm 2019 chiếm 28,7%, ước năm 2020 đạt 32% trong cơ cấu ngành nông nghiệp.

     Thay đổi từ nhận thức người dân

     Theo đánh giá của ông Phạm Xuân Tiện - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết phát triển kinh tế nông nghiệp theo chiều sâu, ngoài những con số “biết nói” nêu trên, điều quan trọng nhất là sự thay đổi về nhận thức, trách nhiệm của chính người nông dân. “Họ đầu tư vào sản xuất nghiêm túc và bài bản hơn trước đây rất nhiều. Các hộ dân đã quan tâm hơn đến sản xuất tập trung theo quy trình GAP, hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường sinh thái - bởi họ biết thị trường đang cần điều đó” - ông Tiện khẳng định.

     Phát triển kinh tế nông nghiệp theo chiều sâu được tổ chức thực hiện mạnh mẽ mà cụ thể ở đây nông dân ưu tiên đầu tư các loại giống cây trồng, vật nuôi mới, có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất. Một số sản phẩm nông sản đã khẳng định vị thế, lợi thế so sánh trên thị trường như : gạo chất lượng cao, gạo Nếp Quýt, tơ tằm, trái cây.

    Trong thời gian tới, huyện Đạ Tẻh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất; phát triển ngành nông nghiệp toàn diện, bền vững trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của địa phương, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường; tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, giảm khâu trung gian để gia tăng chuỗi giá trị.

Ban Tuyên giáo Huyện ủy

Lượt xem: 1.642
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 003110801
  •  Đang online: 76
  •  Trong tuần: 28.445
  •  Trong tháng: 122.990
  •  Trong năm: 1.099.210