Trong đợt kiểm tra và làm việc tại huyện Ðạ Tẻh, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy đã kết luận “Ðạ Tẻh là một trong những địa phương đi đầu, quyết liệt và đổi mới trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, gắn với tinh giản biên chế…”.
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trao đổi với cán bộ trong đợt làm việc tại huyện Đạ Tẻh. Ảnh: H. Sang
“Khó nhưng phải quyết tâm làm”
Theo ông Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Đạ Tẻh - cơ quan chịu trách nhiệm chính trong công tác thực hiện sắp xếp bộ máy cán bộ: “Việc sắp xếp hoàn thiện bộ máy và tinh giản biên chế là vấn đề khó khăn, phức tạp và nhạy cảm liên quan đến quyền lợi của nhiều tổ chức và con người. Trong quá trình thực hiện sẽ có những ý kiến đồng thuận và người không đồng thuận, đây là một việc làm khó nhưng phải quyết tâm làm”.
Ghi nhận tại Ban Tổ chức huyện Đạ Tẻh, về đội ngũ cán bộ, tính đến giữa năm 2017, tổng số cán bộ, công chức cấp xã là 232 người. Trong đó, cán bộ chuyên trách 112 người, công chức 120 người; cán bộ hoạt động không chuyên trách 155 người. Việc bố trí, sử dụng cán bộ xã, thị trấn thời gian qua nhìn chung đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã, thị trấn vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. “Trong đó, những vấn đề như hạn chế về năng lực, chưa đạt chuẩn theo chức danh, tỷ lệ cán bộ nam, nữ không đồng đều và còn tình trạng dư thừa, lãng phí cán bộ”, ông Tuyên nói.
Sau khi có hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương và kết luận của Tỉnh ủy Lâm Đồng về vấn đề này, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch tinh gọn bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách các xã, thị trấn. Kế hoạch được xây dựng nhằm mục đích đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Thông qua đó, rà soát lại bộ máy tránh trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ cũng như tăng thêm thu nhập và nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở. Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy đảng, điều hành của chính quyền và sự phối hợp, giám sát của MTTQ và các đoàn thể.
Kết quả bước đầu ở cấp huyện, tính từ 15/7/2016, Đạ Tẻh đã thực hiện theo hướng Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị, kế toán Huyện ủy phụ trách kế toán Trung tâm Bồi dưỡng chính trị. Giảm 8 biên chế khối Đảng - đoàn thể so với chỉ tiêu giao, đạt 12,9%. Các phòng, ban thuộc UBND huyện giảm 14 công chức, đạt 14,3% so với biên chế giao. Toàn huyện đã giảm 2 trường (1 trường mầm non, 1 trường tiểu học), khảo sát xóa 10 điểm trường lẻ, giảm 18 biên chế.
Bên cạnh đó, Huyện ủy Đạ Tẻh đã đưa ra phương án tinh gọn bộ máy, cơ cấu đội ngũ cán bộ cụ thể đối với công chức cấp xã. Theo đó, từ nay đến năm 2020 không tuyển dụng mới và thực hiện sắp xếp đối với các chức danh: Tư pháp, kế toán, địa chính, mỗi chức danh bố trí một người. UBND huyện xem xét, quyết định điều chuyển, bố trí công chức dôi dư giữa các xã, thị trấn cho phù hợp. Chức danh công chức văn phòng UBND bố trí 2 người. Trong đó, phân công một người phụ trách Văn phòng Đảng ủy nên toàn huyện đã giảm được 23 công chức. Đối với những người hoạt động không chuyên trách phải bố trí kiêm nhiệm để giảm sự cồng kềnh.
“Việc sắp xếp kiện toàn lại đội ngũ cán bộ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương ở Ðạ Tẻh đã phát huy tác dụng, đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị. Ðặc biệt, sự sắp xếp thay đổi này còn góp phần phát huy tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ công chức trong thời gian qua”, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy khẳng định.
Ngoài những vấn đề nói trên, tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 13 tập trung bàn về các biện pháp thực hiện nội dung Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, ông Tôn Thiện Đồng, Bí thư Huyện ủy Đạ Tẻh còn cho biết, huyện này vừa ban hành kế hoạch thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm tổ trưởng tổ dân phố (trưởng thôn). Theo ông Tôn Thiện Đồng, việc này sẽ nâng cao hiệu quả điều hành, triển khai các nhiệm vụ tại thôn, tổ dân phố; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ đảng và trách nhiệm của đảng viên ở khu dân cư. Đồng thời, tinh gọn đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở cấp thôn, tạo sự thống nhất cao trong chi ủy, chi bộ và tăng sự đồng thuận trong nhân dân. Cùng đó, việc thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn đang được Đạ Tẻh triển khai trên diện rộng sẽ góp phần phát huy vai trò lãnh đạo của chi bộ, vai trò của đảng viên, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu ở cơ sở.
“Gọn” nhưng phải “tinh”
Nói về các bước thực hiện nhiệm vụ không dễ dàng này, ông Nguyễn Văn Tuyên cho rằng, sau khi có chủ trương của Trung ương, kế hoạch của tỉnh, huyện Đạ Tẻh đã chọn phương án “làm theo hướng lấy sự đồng thuận ngay từ cấp dưới lên, không thể thực hiện nếu chỉ áp lực từ trên xuống”. Theo đó, Huyện ủy Đạ Tẻh đã yêu cầu Ban Tổ chức Huyện ủy thường xuyên làm việc sâu sát với cơ sở, lấy tình hình thực tế làm cơ sở xây dựng dự thảo và gửi ngược về các xã góp ý. Bởi thế, các kế hoạch được ban hành luôn chứa đựng trọn vẹn ý chí của các cấp, nên việc triển khai tại địa phương thuận lợi hơn.
Cụ thể, khi làm việc tại xã Mỹ Đức và xã Đạ Pal, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến đã đánh giá cao điều này và nhấn mạnh trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, các địa phương phải chú trọng triển khai sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức gắn với tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) và Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị. Còn đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Đạ Tẻh, trong các nhiệm vụ cần tập trung trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến đặc biệt nhấn mạnh đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; hoàn thiện đề án trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trên tinh thần chung là bám vào Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) dựa trên cơ sở tình hình thực tiễn tại địa phương với một quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là Ban Thường vụ Huyện ủy. Bí thư Tỉnh ủy chỉ rõ, thực hiện tốt việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng phải đảm bảo tính ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị hoạt động.
Mục tiêu của tinh giản biên chế không đơn thuần chỉ là “cắt” cơ học về lượng, mà phải đi vào yếu tố cốt yếu - nâng cao “chất”. Làm sao để giữ đúng người, vào đúng việc, một người tinh một việc biết nhiều việc gắn với đề án vị trí việc làm. Vì vậy, để thực hiện thành công cần sự phối hợp đồng bộ, quyết tâm và trách nhiệm cao của mỗi cá nhân, nhất là vai trò người đứng đầu nhằm biến quyết tâm chính trị thành hành động cụ thể.
NGỌC NGÀ - baolamdong.vn